Năm 1976 sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng không lâu bố đã quyết định lên tàu vào Nam đi tìm mộ chú ruột tôi theo địa chỉ ghi trên giấy báo tử của đơn vị. Mọi người trong gia đình không thể ngăn bố tôi chậm lại. Bố bảo "hãy để cho bố đi vì bố thấy thương bà nội, thương chú lắm. Nếu không tìm được mộ chú thì bố không ăn ngon ngủ yên được".
Chú ruột tôi đi B và hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân cuối năm 1968 tại Bình Định và cuối năm 1969 gia đình nhận được giấy báo tử của chú. Buồn và đau đớn nhưng bà nội tôi nhất định không tin là chú ruột tôi đã mất. Nhìn bà mà thấy xót xa. Bà cứ ngồi như bất động, ánh mắt nhìn mông lung, bỏ cả ăn cả uống. Trong nhà bà ra vào như một cái bóng, không nói chuyện với bất cứ ai. Bà con hàng xóm thường qua lại chia sẻ, hỏi thăm và động viên bà nhưng hình như không làm bà khá hơn. Thấy bà như vậy nên bố tôi cũng không đành lòng.
Hành trang bố mang theo chuyến đi thật ít ỏi: 1 bộ quần áo, một ít tiền mặt, một ít lương khô, 1 cuốn sổ tay cũ và cây bút Kim Tinh - kỷ niệm của chú tặng bố trước khi đi B và cái giấy báo tử của đơn vị chú tôi.
Cứ thê bố lần tìm đến địa chỉ ghi trên giấy báo tử. Bố kể hồi ấy còn ít lắm các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Có thể nói bố là gia đình liệt sĩ đầu tiên mà địa phương đón tiếp. Họ bố trí chỗ ăn chỗ nghỉ cho bố tôi, cử hẳn một cán bộ của Phòng Chính sách và Thương Binh Xã hội Tỉnh chở bố về nơi chú tôi hy sinh, liên hệ với địa phương, gặp gỡ những người trước đây đã từng tham gia trận đánh với chú hiện giờ còn sống và nhờ họ giúp đỡ tìm mộ.
Người dân nơi chú hy sinh họ rất thân tình. Nghe tin có gia đình liệt sĩ vào tìm mộ là cả làng đến chơi, thăm hỏi. Họ mang theo nhiều thứ quà quê làm quà tiếp đón bố tôi. Tối đấy bố được bố trí nghỉ lại nhà của một du kích già - người đã cùng tham gia trận đánh với bộ đội chủ lực dạo ấy và cũng là người tham gia chôn cất các đồng đội của mình. Ông kể rằng trong trận đánh ác liệt bảo vệ cứ điểm 751 ngày ấy đã hy sinh 42 bộ đội chủ lực. Tất cả được chôn ở 2 bên sườn đồi cách làng cũng khá xa.
Sáng hôm sau ông cùng vài người làng đưa bố tôi vào rừng nơi các liệt sĩ được chôn cất.
Bố tôi kể khi đến phía sườn đồi đầu tiên nơi chôn cất các liệt sĩ bố tôi đã không cầm được nước mắt. Bố vừa khóc vừa lấy thẻ hương mang theo trong cái ba lô cũ rồi thắp hương khấn các liệt sĩ. Bố xin phép được phạt cây phạt cỏ để tìm em ruột mình.
Người dẫn đường chỉ tay về phía một vùng um tùm lau sậy cây dại và nói "ở đây có 40 ngôi mộ, tất cả đều có cái biển nhỏ bằng sắt tây ghi tên liệt sĩ cắm ở đầu mỗi ngôi mộ. Muốn xác định ai ở đâu cũng mất thời gian đấy" ...
Rồi ông đưa cho mỗi người một con dao phạt cây và cỏ để tìm tên liệt sĩ. Bố tôi cũng không ngoại lệ. Tính từ lúc các chú hy sinh (1968) đến lúc này (1976) cũng đã gần chục năm trôi qua không người chăm sóc nên cỏ dại, cây cối mọc um tùm phủ kín các ngôi mộ. Cũng may có người chỉ đường và hướng dẫn nên cũng không mất thời gian lắm. 40 ngôi mộ được phát quang để lộ tên tuổi quê quán và đơn vị các liệt sĩ nhưng chưa thấy tên và mộ của chú tôi.
Bố bần thần đưa tay lau mồ hôi đang chảy dài trên mặt miệng lẩm nhẩm khấn chú :"Anh đã vào đến đây rồi. Chú ở đâu thì chú dẫn anh tới nhé..".
Nghe bố tôi khấn thế người dẫn đường tự nhiên bảo :"Tôi nhớ rồi. Bên này có 40 liệt sĩ là bộ đội chủ lực hy sinh. Còn 2 đồng chí nữa được chôn bên sườn đồi bên kia cùng với những người du kích địa phương. Họ bị đạn hy sinh sau cùng và còn nguyên thây khi chôn cất. Có một người sĩ quan cao to...". Vừa nghe đến đây bố tôi đã nhận ra đấy chính là em mình liền nói người dẫn đường đi sang ngay khu bên cạnh.
Cũng rất nhanh bố tôi đã tìm được em ruột mình. Cái biển nhỏ bằng sắt tây có ghi tên chú được đóng đinh vào một thanh gỗ và lâu ngày gỗ cũng mục và đổ gập xuống. Dù sao cũng đã tìm được chú.
Bố lấy bao thuốc lá Điện Biên từ túi áo ngực bóc ra châm thuốc và đặt lên mộ chú rồi lặng lẽ khóc.
Trước khi ra về bố tôi xin lại cái tấm biển nhỏ bằng sắt tây có tên và địa chỉ của chú, đắp lại mộ cho chú và đồng đội của chú. Bố còn cẩn thận lấy quyển sổ tay và bút ra ghi lại tên và địa chỉ của 41 liệt sĩ còn lại với mong muốn báo tin cho thân nhân các liệt sĩ.
Về tới nhà bố đưa cho bà nội tôi biển tên của chú và kể lại chuyến đi tìm mộ. Bà giữ chặt tấm biển đó trên tay và ghì vào ngực mình như đang ôm lấy chú. Sau đấy bà tự tay đặt tấm biển lên bàn thờ chú và chỉ nói được một câu "dẫu sao thì con cũng đã về với mẹ".
Sau đấy bố gửi thư báo tin phần mộ cho thân nhân liệt sĩ theo địa chỉ quê quán mà bố đã ghi lại. Một ít thời gian sau đã có rất nhiều gia đình gửi thư phản hồi cho bố và nhờ bố hướng dẫn đường đi tới nơi các liệt sĩ đã hy sinh.
Cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng bố vẫn kể "bố mơ thấy các chú về nhà mình đông lắm, ngồi đầy cả ở ngoài sân...".
Trúc Vàng
24/4/2016
24/4/2016
TV viếng mộ chú tại Nghĩa trang liệt sĩ X. Mỹ Chánh, H. Phù Mỹ, T. Bình Định năm 2013 |
Anh cũng là người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường b nhân dịp 41 năm ngày giải phóng miền nam qua câu chuyện em kể về bố em đi tìm mộ của người chú anh thực sự chia buồn cùng gia đình và chúc mừng gia đình đã tìm được mộ người thân
Trả lờiXóaThật xúc động thật tình nghĩa chị ạ ! Tri ân những người Lính đã hy sinh và đóng góp xương máu cho TQ nhân ngày 30/4 !
Trả lờiXóaCâu chuyện thật xúc động ! Cầu cho linh hồn các Liệt sĩ được siêu thoát ! Các Liệt sĩ linh thiêng xin phù hộ cho đất nước này giàu mạnh ,sánh vai với cường quốc năm châu !
Trả lờiXóaA di đà phât.Chúng con mong cho linh hồn ông trẻ được siêu sinh tịnh độ
Trả lờiXóaThương tâm lắm cầu cho các liệt sĩ bình an nơi chín suối những con người đã hi sinh trong cuộc chiến dành độc lập thật chân trọng và biết ơn
Trả lờiXóaSắp đến ngày Thống nhất đất nước 30/4 rồi, xin thắp nén nhang cầu cho linh hồn chú và các đồng đội.
Trả lờiXóaA di đà phật! xúc động quá! cầu mong cho linh hồn ông được siêu sinh tịnh độ về miền Tây phương cực lạc!
Trả lờiXóaCảm động quá Trúc ơi! Thật may mắn cho hia đình Trúc. Nhiều liệt sỹ, đặc biệt là hải quân hy sinh ngoài biển khơi, mãi mãi không bao giờ tìm thấy di cốt của họ.
Trả lờiXóaNhững ngôi mộ màu trắng
Trả lờiXóaNhư mặc áo trắng tang
Chiến tranh là thế đó
Dày đặc những Nghĩa trang
Tôi cũng là lính của thạp nien 70 .Tôi rất hiểu những mất mát,hy sinh trong giai đoạn đó ,của đất nước nói chung và G/Đ bạn.Ôn lại nhớ lại,bạn thật là Nhân văn....
Trả lờiXóaCam on, that sau sac cam dong. Vi toi cung la nguoi linh cua hung nam 1970.xin chia se
Trả lờiXóaThế là may mắn quá vì có rất nhiều gd vẫn còn thật lạc mộ phần liệt sĩ đấy cầu chúc cho các anh yên nghỉ ngàn thu
Trả lờiXóaThật xúc động nghe câu chuyện ..những người con anh hùng của dân tộc họ hy sinh thật cao quý chúc các anh siêu thoát
Trả lờiXóaAdida phật, adida phật, adida phật
Trả lờiXóaCầu mong vong linh các liet sĩ sớm siêu thoát về tây phương cưc lạc
Hoàng Trúc xin cảm ơn các anh, chị và các bạn, các em đã chia sẻ và đồng cảm cùng bài viết. Một nỗi đau vẫn cứ âm ỉ .
Trả lờiXóaTV đăng lại bài này này đúng dịp 27/7 thật là ý nghĩa. Dẫu sao cũng an ủi rằng Chú đã đc về nằm giữa đồng đội, đc thăm nom hương khói. Còn nhiều lắm những LS đang nằm đâu đó trong rừng xanh, suối thẳm
Trả lờiXóa