Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016
EM LÀM VIỆC Ở CÔNG TY VỆ SINH ANH Ạ 😄
Thật 100 %
Lúc mới tốt nghiệp về nước tôi được phân công về nhận công tác ở một đơn vị thuộc một Bộ. Phòng làm việc của tôi có trên chục người, toàn các cô chú kính đeo trễ tới tận đầu mũi. Phòng có 14 người thì đến cả chục người tốt nghiệp từ nước ngoài về. Cả cơ quan thì đến 3/4 là con ông cháu cha và cũng đều tốt nghiệp như vậy nên chúng tôi hay gọi đùa là "Vườn trẻ chim non".
Tôi lúc đó là cô gái trẻ nhất phòng và mặt mũi còn đầy bơ sữa. Ngoài công việc chuyên môn được trưởng phòng phân công tôi còn có nhiệm vụ trực điện thoại cho cả phòng. Việc này đôi khi cũng vui và buồn cười phết.
Ngày đấy nước mình còn nghèo lắm. Cơ quan nhà nước ở trung ương mà cũng chẳng được trang bị gì nhiều hơn. Cái điện thoại hàng ngày tôi nhấc lên đặt xuống hàng chục lần có lẻ nếu còn thì bây giờ cũng được liệt vào hàng đồ cổ rồi, nó không chỉ có những cái lỗ tròn tròn be bé vừa cái đầu ngón tay trỏ tương ứng với dãy số tự nhiên từ 0 đến 9, mà khi quay số nó còn phát ra âm thanh nghe rất vui tai và dễ chịu.
Một lần nghe tiếng chuông reo tôi nhấc máy và thẽ thọt:
- Allo .. Số máy ... xin nghe!
Một giọng nam bên kia đầu dây cũng nhẹ nhàng không kém:
- Xin lỗi đấy có phải số máy của Viện ... không em?
- Dạ không phải anh ạ. Chắc là anh nhầm máy,, - tôi trả lời như mọi cuộc điện thoại khác.
- Xin lỗi em, - đầu dây bên kia nói và đặt máy xuống.
Một lát sau lại thấy chuông điện thoại reo. Tôi nhấc máy và như mọi lần tôi nhắc lại câu cửa miệng của một điện thoại viên phòng:
- Allo ... Số điện thoại ... xin nghe ...
Vẫn là giọng người đàn ông lần trước và vẫn cái giọng nhẹ nhàng, lịch sự.
- Anh xin lỗi. Anh chỉ muốn kiểm tra xem cái số điện thoại anh gọi vừa rồi có phải là của Viện ... không.
Lại một lần nữa tôi khẳng định với anh rằng anh đã nhầm máy.
Cứ tưởng như vậy là xong, ai dè vẫn còn phải gặp lại người đàn ông ấy lần thứ 3 trên điện thoại.
- Vẫn là anh em ạ. Anh rất vui khi gọi nhầm số và may mắn anh được gặp em, - anh nói nhanh và liền mạch hơn, - Nghe em nói anh cứ hình dung ra em với một khuôn mặt thanh tú và ánh mắt vui tươi. Cho anh hỏi nhé: Em đang làm việc ở cơ quan nào vậy?
- Dạ, em làm việc ở Công ty Vệ sinh thôi anh ạ, - tôi không ngần ngại trả lời anh và tủm tỉm cười.
- Giời ạ ...làm mất cả thời gian ... - tiếng người đàn ông buông dài cùng với tiếng cúp máy.
Cả phòng nghe tôi trả lời mà cười vang. Các cô chú hỏi tôi sao tôi lại nói thế. Tôi nói như một cách khẳng định "chỉ là để không bị quấy rầy nữa thôi ạ" ...
Hoàng Trúc
30/5/2016
Ps:
Một thời nhiều gia đình ở Hà Nội dạy con "Cố gắng mà học cho giỏi. Học mà dốt thì sau này chỉ có nước đi đổ thùng".
"Đổ thùng" là cụm từ có từ thời Pháp thuộc, đọc chại từ "đổi thùng" mà ra, chỉ những người chuyên làm nghề lấy phân ở khu vực nội thành. Sau này người ta gọi bằng một cụm từ khác là công nhân vệ sinh. Dù sao cũng là một nghề nhưng không mấy được tôn trọng ..
(Hình ảnh từ internet và chỉ có tính chất minh họa)
8 nhận xét:
Nhật ký Hoàng Trúc hoan nghênh những lời góp chân thành, đọc giả có thể dùng tài khoản Google để xuất bản nhận xét của mình, nếu chưa có danh khoản Google, bạn có thể điền danh tính vào mục:Tên/URL để xuất bản nhận xét, Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video vào Phần nhận xét bằng cách lấy URL của ảnh gốc rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tin chị Trúc Vàng thì có mà bán thóc giống ra mà ăn !!
Trả lờiXóaCâu nói này nghe quen quá
Xóachị .thơ hay ,chuyện thì hóm hỉnh vui vui rất đáng yêu chị ạ.
Trả lờiXóaÔi, hóa ra người trả lời điện thoại hồi ấy chính là em à. Anh tưởng đấy là cty vệ sinh thật nên thôi không gọi nữa. Phí của quá, tiếc của quá!!!
Trả lờiXóaNhìn lại bức ảnh hàng giờ mà bồi hồi nhới lại các kỷ niệm của HN một thời "đồ đá" , tuổi thơ của mình đã gắn bó với tàu điện "tiếng len keng" đi học, đi chơi. Một thời HN xa vắng.....
Trả lờiXóaMoi đâu ra cái của hiếm này vậy? Phố mình ở ngày ấy có 1 cái sân nhỏ, là nơi tụ tập vui chơi của đám trẻ con, cuối sân là dãy xí công cộng. Thế nhưng cứ tầm 8-9h là mấy anh chị lại đến đổi thùng (theo quy định là đổi thùng sau 12h đêm), khỏi nói thì mọi người cũng biết mùi hương khủng khiếp thoát ra từ những "thùng lục" này. Năn nỉ người nhà nước mãi ko được, các sư huynh của xóm liền ra chân: làm tùng bê xe chở thùng ra đường rồi đi báo công an. Các anh chị phải vét lục xì chảy ra và gánh nước rửa sạch đường dưới sự giám sát của mấy chú Phulit và đám trẻ trâu. Thông điệp rõ ràng, từ đó bà con được thong thả ra sân hóng gió mát, nhìn lũ trẻ chúng tôi chơi đùa. Tks Trúc đã gợi lại chính xác một kỉ niệm từ thời xa xưa của tuổi thơ chúng mình.
Trả lờiXóaP/s: ở quê mình sau này ngành y tế cải tiến xây xí 2 ngăn, bỏ đổi thùng, phân ủ ngay phía dưới, nhưng các cháu mình ở HN về vẫn ko dám trèo lên 2 cục gạch, dòm xuống cái lỗ sâu hút, báo hại con lớn rồi nhưng mỗi khi về quê bố mẹ cháu đều phải mang theo trong hành trang 1 cái bô...
Đúng lắm bạn ạ. Tks
XóaHOANG TRÚC thơ hay ,chuyện hóm hỉnh hài hước,thanh lịch...vương vấn trong lòng bạn đọc...Rất nhiều bạn bè yêu mến...Mình là người thứ 1661 yêu quý Trúc Vàng.
Trả lờiXóa